Truy cập nội dung luôn

Hội đồng thẩm định nhất trí cao thông qua bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên

Sáng 23/5, tại Tỉnh ủy Thái Nguyên, Hội đồng thẩm định nội dung bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên đã cho ý kiến vào bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì Hội nghị.

 

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Ban Chủ nhiệm Đề tài và các thành viên Hội đồng thẩm định.

PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Triển khai thực hiện nhiệm vụ chủ trì Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử tỉnh Thái Nguyên”, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã huy động đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu cùng các nhà sử học uy tín phối hợp biên soạn. Quá trình thực hiện đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, thu thập hàng nghìn trang tư liệu quý, hình ảnh có giá trị. Sau gần 2 năm năm triển khai (từ 2023 đến nay), bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ khởi nguồn đến năm 2025 đã hoàn thành. Đây là công trình khoa học có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa quan trọng, hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030; đồng thời là tài liệu quý cho các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân có thể tham khảo, khai thác, nghiên cứu, vận dụng vào trong thực tiễn công tác và học tập. Đồng chí mong muốn nhận được ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định để Ban biên soạn hoàn thiện bản thảo bộ sách có ý nghĩa và giá trị cao nhất về mặt lịch sử, khoa học.

Bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ khởi nguồn đến năm 2025 là kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 2973/QĐ-UBND ngày 28/11/2023. Bộ sách gồm 2 tập, dài gần 1.400 trang. Trong đó, tập 1 “Lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ khởi nguồn đến năm 1945” được bố cục 7 chương, khái quát về lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ thời tiền sử, sơ sử đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tập 2 “Lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ năm 1945 đến năm 2025” được bố cục 5 chương, khái quát về lịch sử tỉnh Thái Nguyên từ năm 1945 cho đến thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

 

Các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho ý kiến vào bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu của một công trình khoa học lịch sử cấp tỉnh; được biên soạn công phu, nội dung đồ sộ, có giá trị khoa học cao, phản ánh khách quan, trung thực các sự kiện lịch sử của tỉnh; dữ liệu, tư liệu phong phú, phương pháp nghiên cứu phù hợp, bố cục logic, đảm bảo tính hệ thống. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đề nghị Ban biên soạn tiếp tục hoàn thiện bản thảo về cả nội dung và hình thức. Cụ thể, Ban biên soạn cần làm rõ hơn các mốc thời gian, phân kỳ lịch sử rõ ràng, tránh trùng lặp; nhấn mạnh vai trò trung tâm vùng của Thái Nguyên trong mối liên hệ liên vùng và quốc gia; bổ sung hình ảnh, bản đồ minh họa để tăng tính sinh động cho nội dung; tăng cường sự gắn kết với các vấn đề đương đại. Ngoài ra, Hội đồng cũng khuyến nghị mở rộng phương pháp nghiên cứu theo hướng liên ngành, kết hợp với các phương pháp của khoa học xã hội khác để nâng cao giá trị học thuật và thực tiễn của bộ sách…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương; đồng thời đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài, Ban biên soạn tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định và đại biểu, để hoàn thiện nội dung bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương của Ban Chủ nhiệm Đề tài, Ban biên soạn và các nhà khoa học, chuyên gia trong việc nghiên cứu, biên soạn bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí khẳng định, bộ sách không chỉ là công trình khoa học mang giá trị lịch sử sâu sắc mà còn là tài sản tinh thần quý giá của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, góp phần giáo dục truyền thống, hun đúc niềm tự hào, củng cố khối đại đoàn kết và khát vọng phát triển địa phương trong thời kỳ mới. Đồng chí đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài, Ban biên soạn nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng của các thành viên Hội đồng thẩm định và đại biểu, để hoàn thiện nội dung bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên với tinh thần cầu thị, khoa học, khách quan, bám sát định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Đồng chí nhấn mạnh, bộ sách không chỉ phản ánh quá khứ trung thực mà còn phải định hướng tương lai, góp phần xây dựng tầm nhìn chiến lược cho Thái Nguyên trong vai trò trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhất là trong bối cảnh đổi mới, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng chí cũng lưu ý Ban Chủ nhiệm Đề tài, Ban biên soạn gắn bộ sách với việc thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về chuyển đổi số; đẩy mạnh số hóa nội dung, tích hợp các tiện ích tra cứu hiện đại như mã QR, bản đồ tương tác, kết nối nền tảng dữ liệu mở… nhằm phục vụ hiệu quả công tác tra cứu thông tin, nghiên cứu, giáo dục truyền thống, tuyên truyền lịch sử cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ngoài ra, bản thảo cũng cần lưu ý cập nhật các sự kiện quan trọng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện và hợp nhất tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn theo chủ trương của Trung ương.

Sau khi thống nhất, Hội đồng thẩm định đã nhất trí cao thông qua và đề nghị chỉnh sửa bản thảo bộ sách Lịch sử tỉnh Thái Nguyên theo góp ý của Hội đồng thẩm định.

Kim Oanh - Mạnh Thắng
thainguyen.gov.vn